ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam thực chất là một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng. Nó hướng tới một mô hình mới về phát triển giáo dục, nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường đi đôi với việc bảo đảm định hướng Xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục.
Mục đích của việc đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bảo đảm công bằng xã hội trên cơ sở phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở. Muốn vậy, cần một tiếp cận hệ thống trong việc giải quyết đồng bộ các cơ chế hoạt động của cơ sở liên quan đến ba mặt công tác chính: năng lực quản trị, bảo đảm chất lượng và trách nhiệm giải trình.
1. Xác lập cơ chế quản trị
Cơ chế quản trị là quá trình ra quyết định, giám sát, đánh giá những vấn đề lớn của cơ sở để đáp ứng sự thay đổi. Cơ chế này là sự cụ thể hoá quyền tự chủ của cơ sở và được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, thông qua hội đồng trường. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu thành phần, lề lối làm việc của hội đồng trường đã được quy định từ lâu trong Luật Giáo dục 2005, được tiếp tục cụ thể hóa trong Luật Giáo dục đại học 2012 và đã được hướng dẫn thực hiện trong Điều lệ trường đại học. Tuy nhiên, đến nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế này hầu như không được quan tâm. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là lợi thế độc quyền và thói quen bao cấp khiến các cơ sở công lập không phải bận tâm nhiều đến sự thay đổi.
Với yêu cầu đổi mới cơ chế tài chính và áp lực cạnh tranh đang diễn ra trong môi trường đào tạo ở nước ta, yêu cầu bức thiết là các cơ sở giáo dục đại học cần sớm xác lập và phát huy cơ chế quản trị thực chất, không hình thức, để mỗi cơ sở hoạch định được hướng phát triển đúng đắn, đóng góp có chất lượng và hiệu quả cho việc đào tạo theo nhu cầu xã hội.
2. Xây dựng cơ chế bảo đảm chất lượng
Thực hiện quy định về kiểm định chất lượng của Luật Giáo dục 2005, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học đã được ban hành; các đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng đã được thành lập ở nhiều cơ sở giáo dục đại học; việc tham gia vào các mạng lưới đảm bảo chất lượng khu vực và quốc tế đã được tiến hành. Đó là những bước đi quan trọng trong đổi mới quản lý chất lượng giáo dục ở nước ta.
Tuy nhiên vẫn chưa hình thành trong giáo dục đại học một cơ chế bảo đảm chất lượng đích thực, hiểu theo nghĩa là cơ chế trong đó nhà trường xây dựng được các quy trình, quy chuẩn và quy tắc trong dạy và học để đảm bảo rằng người học thành công trong học tập và đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực mà xã hội mong đợi. Luật Giáo dục đại học đã có bước đi đột phá trong việc giành hẳn một chương về “Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Các cơ sở giáo dục đại học cần căn cứ vào Điều 50 của Luật Giáo dục đại học để xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng từ việc thành lập tổ chuyên trách; xây dựng và thực hiện kế hoạch; duy trì và phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng; đến công bố công khai các điều kiện này.
3. Xây dựng cơ chế giải trình
Luật Giáo dục đại học đã rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa quyền tự chủ trên văn bản với quyền tự chủ trên thực tế. Dĩ nhiên, việc giao quyền tự chủ đến đâu và như thế nào còn phụ thuộc vào một số điều kiện liên quan đến năng lực của cơ sở và kết quả kiểm định chất lượng. Có điều, còn một khiếm khuyết dai dẳng trong quy định về quyền tự chủ. Đó là sự không quan tâm đầy đủ đến một điều kiện chính yếu, đó là trách nhiệm giải trình của cơ sở.
Cần xây dựng cơ chế giải trình, theo đó khi thực thi quyền tự chủ, nhà trường có trách nhiệm giải trình về kết quả đầu ra với ba nơi: nội bộ nhà trường, cơ quan quản lý, công chúng. Việc giải trình này phải được gắn kết với các kết quả kiểm định để đảm bảo độ tin cậy. Nó cũng phải được xây dựng trên cơ sở phát triển hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS - Educational Management Information System) để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải trình. Đó là các yêu cầu bắt buộc để không chỉ bảo đảm niềm tin của nhà nước và xã hội đối với nhà trường, mà còn để tạo dựng môi trường thông tin thuận lợi trong việc gắn kết cung với cầu trong đào tạo.
Viết bài: TS. Cao Thanh Phước
Phó Trưởng khoa Thư viện Thông tin
-
09112018
-
25042019
-
11122018
-
21122018
-
25072018
-
19042018
-
09112018
-
14092018
-
18012019
-
25072018
-
08102019
-
12072019